Giúp trẻ không bị xâm hại tình dục

Gần đây, liên tục xảy ra các vụ xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em. Việc tổ chức các buổi nói chuyện, tư vấn, tọa đàm với chủ đề “Phòng chống XHTD trẻ em” là rất quan trọng và cần thiết, giúp nâng cao nhận thức về phòng chống XHTD trẻ em và trang bị những kiến thức pháp luật cho các bậc phụ huynh bảo vệ con em mình.

Lặng người khi nghe chuyên gia tư vấn chia sẻ

Không khí trong khán phòng Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam (TPHCM) trở nên nặng nề và trầm lắng hơn khi nghe chuyên gia tư vấn, bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang - Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 - người đã trực tiếp khám và điều trị cho các bé là nạn nhân của các vụ XHTD trẻ em trong thời gian qua chia sẻ. Rất nhiều phụ huynh tham dự đã không cầm được nước mắt, thương cho các bé khi biết rằng, nguyên nhân đưa các bé đến hoàn cảnh trớ trêu này là do sự bất cẩn của các bậc cha mẹ.

Giúp trẻ không bị xâm hại tình dục

Trường hợp của bé H, em bị chính người cha ruột của mình xâm hại nhiều lần nhưng ngặt nghèo thay mẹ của em lại không hề tỏ ra đau khổ hay lo lắng gì. Khi được hỏi, em hồn nhiên trả lời do nhiều lần ba đi nhậu về, mẹ nói “ba hôi quá, mày vào ngủ với ba đi”. Trong lúc say xỉn không hiểu vô tình hay cố ý, người cha đã XHTD con gái mình. Tuy nhiên, người mẹ quả quyết không có chuyện đó. Bác sĩ đã rất ngạc nhiên và không biết nên tin bé hay tin mẹ bé?

Với bé trai 11 tuổi được một người đưa đến khám với lý do sao nhãng việc học, hay lẩn trốn vào chỗ vắng vẻ và thủ dâm…, em đã thú nhận chuyện đó và nói không phải tại em mà có người đã xâm hại, không phải mình em mà với nhiều em.

Theo bác sĩ Quỳnh Trang, trường hợp này không những gây sang chấn cho bé trai mà còn gây ra nhu cầu khoái cảm thứ phát về tính dục cho trẻ, khi đó đứa trẻ sẽ tiếp tục đi tìm nhu cầu. Với trẻ ở lứa tuổi 11, việc thủ dâm không phải chuyện xấu, tuy nhiên nếu trẻ có suy nghĩ hoặc làm chuyện đó suốt ngày là không được.

Chuyên gia tư vấn, luật sư Đào Thi Bích Liên, Chi hội phó Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, chia sẻ: chị vô cùng đau xót khi biết rằng chính sự thờ ơ của người lớn đã vô tình biến bé trở thành nạn nhân của tệ nạn XHTD trẻ em. Trường hợp của bé gái A, cứ mỗi lần bị ở nhà với dượng, em đều điện thoại cho bà nội và nói “bà nội ơi con không muốn ở đây, con muốn về với bà nội” và đều nhận được câu trả lời từ bà nội “không được, con phải ở trên đó với mẹ con”. Sau nhiều lần như vậy cho đến khi bộ phận sinh dục của em bị viêm, sưng có mủ, gia đình đưa em đi khám thì mới biết em đã bị chính người cha dượng của em xâm hại nhiều lần.

Thay đổi từ những thói quen không tốt

Sau khi nghe các chuyên gia tư vấn chia sẻ, chị Uyên đã không kìm được sự tức giận của mình. Theo chị, với trẻ khi trong cuộc sống mà gặp phải sự việc không mong muốn thì trẻ sẽ nhớ suốt đời. Điểm mấu chốt là các bậc cha mẹ nên dạy con biết cách phòng chống XHTD để bảo vệ bản thân. Với chị, việc dạy cho con biết sống tự lập là điều quan trọng và cần thiết nhất, khi đó các bé sẽ biết chủ động giải quyết và xử lý những việc xảy ra với mình. Chị dạy con chị phải biết cách đứng dậy sau khi vấp ngã, chị từng nói với con “con có một ngày đen tối không có nghĩa là con có một cuộc đời đen tối”. Cách dạy con của chị được các bậc cha mẹ cũng như bác sĩ, luật sư tán thành. Theo bác sĩ QuỳnhTrang, dạy trẻ biết tự lập là cách tốt nhất trong cuộc sống hàng ngày, và rất mong chị Uyên sẽ là người truyền lửa cho các phụ huynh.

Với chị Thu thì việc dạy cho trẻ biết cách phòng chống XHTD là điều quan trọng nhưng nghe có vẻ hơi xa vời. Theo chị, để phòng chống XHTD trẻ em, trước tiên chúng ta cần thực hiện tốt những việc làm đơn giản hàng ngày như: nhà phải có cửa cẩn thận; con trai, con gái phải ngủ riêng; cha mẹ tuyệt đối không được thơm nựng vùng kín của con…, những điều tưởng chừng đơn giản như vậy nhưng lại rất thực tế, diễn ra trong cuộc sống hàng ngày nên sẽ có hiệu quả hơn.

Trong khi đó ý kiến của bác sĩ Hà lại cho rằng, chúng ta đang chỉ chú tâm đến dạy cách phòng chống XHTD cho trẻ em mà quên rằng, chính trẻ em mà đặc biệt là các trẻ em trai cũng rất có thể sẽ trở thành người đi XHTD người khác. Vì vậy, chúng ta phải có hướng giáo dục ở cả hai phía.

Cùng tâm trạng lo lắng, chị Lan Hương lại có mong muốn là “bác sĩ có thể đến trường học để tư vấn và dạy cách phòng chống XHTD cho các bé được không?”, cả khán phòng vỗ tay và tán thành với ý kiến của chị.

Lên tiếng - đừng im lặng

Theo luật sư Đào Thị Bích Liên, cha mẹ khi thấy trẻ có dấu hiệu bị XHTD phải hết sức bình tĩnh, ôm con vỗ về, nhẹ nhàng hỏi con về sự việc xảy ra và có thể ghi âm lại lời kể của trẻ, tuyệt đối không cho bé thay quần áo hoặc tắm rửa và đưa trẻ đến khám ngay tại các cơ sở y tế, đồng thời làm đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng. Tuyệt đối không được giữ im lặng.

Giúp trẻ không bị xâm hại tình dụcĐông đảo phụ huynh đến dự buổi nói chuyện về XHTD trẻ em

Tuy nhiên, thủ tục và trình tự tố cáo của ta còn rườm rà, khi tố cáo buộc phải có chứng cứ, tuy nhiên việc XHTD trẻ em thường xảy ra tại những nơi vắng vẻ và không có người thứ ba, các bé còn nhỏ nên việc thu thập chứng cứ là rất khó khăn; việc xét hỏi trẻ trong các trường hợp này chỉ nên hỏi từ 1 đến 2 lần, trẻ thường nói thật nhưng nếu hỏi nhiều lần có thể trẻ sẽ trả lời không chính xác nữa; nên để các điều tra viên có kiến thức về tâm lý hỏi trẻ thì sẽ tốt hơn. Như vậy sẽ giúp cho quá trình điều tra thu được kết quả mong muốn.

Bác sĩ Quỳnh Trang thì cho rằng để trẻ có được môi trường vui chơi an toàn rất cần có sự quan tâm, chăm sóc của cả gia đình và xã hội. Sự trợ giúp của các nhân viên xã hội để kết nối với nhà trường sẽ giúp các em có được sự chia sẻ, động viên. Bác sĩ Quỳnh Trang rất mong muốn những người bác sĩ nhi khoa, tâm lý được phép đến trường khi cần thiết để bảo vệ trẻ khi bị XHTD.

Bài, ảnh: THỦY NGUYỄN